1. Cầu răng sứ là gì?
Cầu răng sứ là một giải pháp khôi phục một hoặc nhiều răng mất cố định phổ biến hiện nay. Giống như bạn đi qua một chiếc cầu bắc qua sông, cầu răng gồm 2 hoặc nhiều trụ cầu là các răng trên cung hàm hoặc các trụ implant và nhịp cầu là một hay nhiều răng bị mất. Các trụ cầu chính là các điểm tựa mang răng mất. Cầu răng được gắn cố định trên các răng trụ, qua đó, giúp lấp đầy khoảng trống răng mất trên cung hàm.
Cầu răng sứ là cầu răng được làm bằng vật liệu sứ.
2. Các loại cầu răng sứ
2.1. Cầu răng sứ truyền thống
Cầu răng sứ truyền thống loại cầu răng khá phổ biến. Các răng làm trụ cầu là các răng khỏe mạnh ở hai bên của khoảng mất răng. Nha sĩ sẽ tiến hành mài nhỏ các răng làm trụ để tạo đủ khoảng cho một chụp răng (giống như một cái mũ) chụp lên răng trụ, giữa các răng trụ sẽ là một dải răng sứ gắn liền với các chụp úp lên răng trụ để thay thế cho răng bị mất.
Hình ảnh cầu răng sứ truyền thống
2.2. Cầu răng sứ với (Cầu răng sứ đèo)
Với loại cầu răng này, nha sĩ sẽ dùng một hoặc hai răng trụ ở phía trước hoặc ở phía sau răng bị mất để làm cầu răng. Tuy nhiên, cầu răng này được khuyên không nên làm rộng rãi vì dễ ảnh hưởng đến các răng trụ nếu tính lực nhai không tốt.
2.3. Cầu răng sứ cánh dán
Là loại cầu răng có khả năng bảo tồn răng trụ tối đa do mài ít răng. Cầu răng gồm một răng giả bằng sứ có hai cánh dán ở hai bên. Trong đó, răng giả sẽ lấp vào khoảng trống răng mất còn hai cánh dán sẽ được gắn cố định ở mặt trong của hai răng trụ ở hai bên răng mất. Cánh dán có thể làm bằng sứ hoặc kim loại. Tuy nhiên cầu răng loại này yếu, chịu lực nhai kém, dễ rơi nên chỉ nên làm ở răng cửa với sự cân nhắc kỹ càng của nha sĩ.
2.4. Cầu răng sứ trên trụ Implant
Các răng trụ của loại cầu răng này không phải là các răng thật mà là các trụ implant được cấy vào trong xương hàm của bạn. Cầu răng này không gây ảnh hưởng hay tổn hại đến răng tự nhiên bên cạnh răng đã mất do không dùng đến răng thật để làm điểm tựa, tạo được khoảng cách thích hợp giữa các răng giúp cầu răng ổn định và phần xương hàm ở khoảng mất răng bị tiêu ít.
3. Ưu và nhược điểm của cầu răng sứ
3.1. Ưu điểm
- Thời gian thực hiện nhanh chóng, giúp phục hình lại răng đã mất chỉ trong vòng 4-5 ngày so với cách bù răng mất bằng cấy trụ implant.
- Cầu răng sẽ được gắn cố định vào các răng trụ trên cung hàm nên tạo được cảm giác ăn nhai tự nhiên như răng thật.
- Cầu răng sứ có độ cứng, chắc, khả năng ăn nhai tốt so với răng thật.
- Cầu răng sứ có độ thẩm mỹ cao, màu sắc răng tự nhiên, phù hợp với các răng thật trên cung hàm.
- Không gây kích ứng với các tổ chức trong khoang miệng.
- Nếu cầu răng làm bằng vật liệu sứ không chứa kim loại sẽ tránh được hiện tượng bị “nhiễu hình” khi chụp film X-quang, chụp film cắt lớp (CT- scanner) hay chụp cộng hưởng từ (MRI) đi qua vùng có cầu răng.
- Phục hồi lại các chức năng khác của răng như:
+ Khôi phục lại khớp cắn như bình thường
+ Phục hồi khả năng phát âm, giao tiếp rõ ràng hơn
+ Duy trì hình dạng khuôn mặt tự nhiên.
- Ngăn chặn hay loại bỏ được những bất lợi khác do mất răng gây nên như:
+ Ngăn chặn được tình trạng các răng ở trên và hai bên răng bị mất di chuyển khi cung hàm có khoảng trống.
+ Ngăn ngừa được bệnh lý của khớp thái dương hàm do mất răng gây ra.
- Thời gian sử dụng của cầu răng sứ cũng khá lâu nếu cầu răng được chăm sóc và bảo vệ đúng cách.
3.2. Nhược điểm
- Các răng thật dùng làm trụ để mang răng mất sẽ bị mài nhỏ đi trong kỹ thuật làm cầu dẫn đến răng trụ có thể bị ê buốt hoặc ảnh hưởng đến tủy răng sau này.
- Răng trụ có thể phải được chỉnh sửa như chữa tủy, làm thấp đi,...để phù hợp với yêu cầu của một răng trụ.
- Việc chọn răng làm trụ cũng đòi hỏi những yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng răng trụ cũng như phải tôn trọng nguyên tắc tính lực cho cầu răng. Như vậy, không phải trường hợp mất răng nào cũng làm được cầu răng sứ.
- Nếu khoảng mất răng quá dài, các răng mất có vai trò ăn nhai chính thì cầu răng sứ không phải là một lựa chọn hoàn hảo.
- Làm cầu răng sứ chỉ thay thế được phần răng ở trên chứ không thay thế được chân răng. Vì vậy, phương pháp này hoàn toàn không ngăn ngừa được tình trạng tiêu xương hàm, lợi co lại do mất răng. Lâu dần sẽ làm cho cầu răng mất tính thẩm mỹ. Việc tiêu xương hàm, tụt lợi ở vị trí răng mất cũng ảnh hưởng đến các răng trụ và làm cho các răng trụ yếu đi nếu xương hàm bị tiêu quá nhiều gây hở chân răng trụ.
- Vệ sinh dưới cầu răng khó hơn so với vê sinh các răng thật. Nếu vệ sinh cầu răng không tốt sẽ dẫn đến hôi miệng, lợi viêm do đọng thức ăn dưới cầu răng. Răng trụ có thể bị hỏng, lúc đó phải nhổ bỏ cả răng trụ và phải làm cầu răng sứ mới.
4. Làm cầu răng sứ có tốt không?
Với những nhược điểm của một cầu răng sứ nêu trên sẽ khiến bạn e dè và có thể lo lắng khi quyết định làm cầu răng sứ. Tuy nhiên nếu các răng trụ được lựa chọn đúng, khoảng mất răng không quá dài, nha sĩ tôn trọng nguyên tắc tính lực nhai cho cầu răng, các yêu cầu kỹ thuật được bảo đảm, cầu răng được bảo quản, giữ gìn tốt, cầu răng và răng miệng được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ thì cầu răng sứ là một lựa chọn phù hợp thậm chí là hoàn hảo nếu răng mất không thể bù lại được bằng cách cấy trụ implant.
5. Những ai làm được cầu răng sứ?
Phương pháp làm cầu răng để bù răng bị mất được các nha sĩ sử dụng từ rất lâu, từ trước khi có kỹ thuật cấy trụ implant. Hiện nay với sự phát triển của ngành vật liệu nha khoa đã tạo ra nhiều loại vật liệu sứ có tính chất gần như răng thật, vừa chịu được lực nhai vừa đảm bảo tính thẩm mỹ nên cầu răng sứ được sử dụng rộng rãi để bù răng mất trong những trường hợp:
- Mất một hoặc hai răng hàm liền nhau.
- Các răng mất xen kẽ nhau.
- Mất một hoặc vài răng cửa.
- Làm cầu răng trên các trụ implant.
Bên cạnh việc đánh giá tình trạng mất răng cụ thể, nha sĩ còn phải dựa vào các yếu tố khác để quyết định cầu răng sứ có phải là một giải pháp bù răng tốt nhất cho bạn hay không như:
- Các răng được chọn làm trụ cầu phải đảm bảo khỏe, chắc.
- Lợi xung quanh răng trụ không bị viêm.
- Lợi ở vùng mất răng phải săn chắc.
- Các răng ở hàm đối diện ở trong tình trạng tốt.
- Các trụ implant được bám chắc bởi xương hàm và được tính toán kỹ để mang cầu răng.
- Tình trạng vệ sinh răng miệng tốt.
- Tình trạng toàn thân khỏe mạnh hay bệnh toàn thân đã được điều trị ổn định.
6. Làm thế nào để cầu răng sứ bền lâu trong miệng?
Cầu răng sứ có dùng được lâu trong miệng hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố:
- Thói quen ăn nhai:
+ Nếu bạn có thói quen đưa hàm sang hai bên để nghiền thức ăn, khi đó ngoài lực nhai thẳng đứng, răng sẽ phải chịu thêm lực uốn cong do răng bị xoay, lâu dần răng trụ sẽ bị tiêu xương giữ chân răng. Khi đó bạn sẽ thấy lợi xung quanh răng trụ tụt xuống, răng trụ bị đau hay lung lay. Lúc này, có thể răng trụ sẽ không đủ khỏe để mang cầu răng, răng phải nhổ bỏ và phải làm cầu răng mới để thay thế răng mất.
+ Nếu bạn chỉ nhai một bên cũng là thói quen gây nhanh hỏng cầu răng ở bên bạn nhai do các răng trụ phải thường xuyên chịu một lực nhai quá mạnh so với chúng phải chịu. Do vậy các răng trụ sẽ nhanh chóng bị tụt lợi, tiêu xương và bị hỏng.
+ Thói quen hay dùng răng cửa để cắn hay nhằn đồ ăn cũng làm cho cầu răng ở vùng này dễ gãy, vỡ.
- Thói quen di chuyển hàm: nếu bạn có thói quen trượt răng cửa hàm dưới ra trước thì những cầu răng ở phía răng cửa sẽ bị ảnh hưởng bởi lực đẩy theo hướng trượt hàm làm các răng trụ cũng bị ảnh hưởng theo. Như vậy cầu răng sẽ không thể bền được.
- Thói quen dùng thực phẩm: thực phẩm cứng, dai dễ gây gãy, mẻ sứ của cầu răng.
- Cách vệ sinh răng miệng: chải răng sau khi ăn, lấy sạch thức ăn ở kẽ răng xung quanh cầu răng bằng chỉ nha khoa, lấy sạch thức ăn ở dưới các nhịp cầu bằng cây luồn chỉ hoặc bằng máy tăm nước. Chải răng đúng cách để tránh tụt lợi và mòn cổ răng ở những răng trụ.
- Mô răng thật: nếu răng làm trụ cầu bị sâu hoặc vỡ lớn, phần mô răng còn lại rất ít thì bản thân chúng sẽ rất yếu. Khi đó, nha sĩ sẽ gia cố thêm chốt răng hoặc một cùi giả trước khi làm chụp để mang cầu răng. Trong trường hợp như vậy, nha sĩ sẽ thảo luận kỹ với bạn về kế hoạch điều trị cũng như cách chăm sóc để cố gắng cầu răng sử dụng được lâu nhất có thể.
- Tay nghề nha sĩ: việc chọn được một nha sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm phục hình sẽ là một lợi thế, giúp bạn sử dụng cầu răng sứ được lâu dài.
+ Kỹ thuật mài răng phải được thực hiện bởi nha sĩ có chuyên môn cao, làm đúng kỹ thuật và mài răng với tỷ lệ phù hợp thì sẽ không gây nguy hiểm cho răng làm trụ hay sức khỏe của cơ thể. Ngược lại, nếu như nha sĩ thực hiện thao tác này sai, không chuẩn xác thì tác hại của việc mài cùi răng là rất lớn. Răng có thể bị ê buốt nặng, tổ chức răng thật bị mất nhiều dẫn đến hư hỏng, tủy răng bị tổn thương và nặng hơn là mất răng.
+ Kỹ thuật lắp răng sứ cũng rất quan trọng. Một cầu răng sứ trước khi được gắn chặt vào răng phải được nha sĩ kiểm tra kỹ về độ ôm khít của các chụp răng vào các răng trụ, về sự chạm khít với các răng thật xung quanh. Nếu cầu răng sứ không đạt yêu cầu, không khít sát mà vẫn được gắn vào các răng trụ sẽ gây đọng thức ăn ở chỗ bị hở, gây hôi miệng, lâu dần răng trụ sẽ bị sâu, gãy răng trụ và có thể không giữ được răng.
Làm cầu răng sứ để bù răng bị mất là một lựa chọn tốt. Nếu nha sĩ và bạn cùng tuân thủ tốt các yêu cầu về mặt kỹ thuật, bảo quản và sử dựng cầu răng thì một cầu răng sứ có thể dùng được lâu dài đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chức năng ăn nhai, chức năng thẩm mỹ và các chức năng khác của răng.